1. PHP là gì?
PHP (viết tắt của PHP: Hypertext Preprocessor) là một ngôn ngữ kịch bản mã nguồn mở được sử dụng rộng rãi. Ngôn ngữ này đặc biệt thích hợp cho việc phát triển các ứng dụng web và có thể được nhúng vào các đoạn HTML.
Điều gì tạo nên sự khác biệt giữa PHP và các ngôn ngữ phía máy khách (slient-side) như Javascript? Điểm khác biệt ở đây là các đoạn mã PHP được xử lý trên máy chủ, sinh ra HTML và các kết quả này được gửi đến máy khách. Máy khách chỉ nhận được các kết quả này mà không thể nào biết những gì đã được xử lý.
2. Để xây dựng một website tôi cần gì?
Về cơ bản, PHP chỉ là ngôn ngữ dùng để xử lý các nội dung động. Để có thể tạo nên một website hoàn chỉnh, chúng ta cần rất nhiều thứ khác nhau. Trong đó, HTML và CSS chính là hai thứ cơ bản để tạo ra được giao diện cho website.
Nhưng trong khuôn khổ những bài học này, tôi không đề cập nhiều đến HTML và CSS. Chúng ta chỉ tập trung vào nội dung chính đó là PHP. Các bạn có thể truy cập vào địa chỉ http://w3schools.com/ để tìm hiểu thêm về HTML và CSS.
3. Làm quen với PHP
Các đoạn mã PHP được đặt trong một cặp chỉ thị đặc biệt để đánh dấu việc bắt đầu và kết thúc xử lý <?php ?>:
<?php echo "Hello! "; echo "<strong>Strong</strong>. "; echo "<em>Italic</em>. "; echo "<u>Underline</u>. "; ?>
Các bạn hãy tạo mới một tập tin có tên là example_01.php, có nội dung như đoạn mã bên trên và lưu lại trong thư mục htdocs của XAMPP. Sau đó bạn hãy mở trình duyệt web, truy cập vào địa chỉ http://localhost/example_01.php và xem thử kết quả như thế nào.
Chú ý: Nếu trình duyệt web báo lỗi không tìm thấy trang web tại địa chỉ trên, các bạn hãy kiểm tra lại xem mình đã khởi động máy chủ web hay chưa (nếu bạn chưa cài đặt máy chủ web hoặc chưa biết cách khởi động máy chủ web, xin hãy xem lại Bài mở đầu).
Kết quả của đoạn mã trên là một đoạn văn bản, với chữ "Hello!" viết bình thường, chữ "Strong" được in đậm, chữ "Italic" được in nghiêng và chữ "Underline" được gạch dưới. Những nội dung <strong>, </strong>, <em>, </em>, <u>, </u> chính là những cặp thẻ HTML dùng để định dạng đoạn văn bản.
Trong cửa sổ của trình duyệt, các bạn có thể xem kết quả chính xác mà đoạn mã PHP đã sinh ra bằng cách bấm chuột phải vào phần nội dung trống và chọn View source (tuỳ theo trình duyệt, ngôn ngữ của trình duyệt mà chức năng này sẽ được gọi theo những tên khác nhau). Lúc này bạn sẽ thấy một đoạn mã HTML với nội dung như sau:
Hello! <strong>Strong</strong>. <em>Italic</em>. <u>Underline</u>.
4. PHP kết hợp với HTML
Ngoài cách viết các đoạn mã thuần tuý PHP (chỉ chứa mã PHP) các bạn có thể viết theo kiểu kết hợp giữa HTML và PHP. Các bạn hãy xem ví dụ bên dưới đây:
<strong><?php echo date('d'); ?></strong> - <em><?php echo date('m'); ?></em> - <u><?php echo date('Y'); ?></u>
Kết quả của đoạn mã này là một đoạn HTML hiển thị ngày - tháng - năm hiện tại:
<strong>17</strong - <em>02</em> - <u>2012</u>
5. Kết luận
Mục tiêu của bài này là để các bạn hình dung được cách hoạt động, mục đích của các đoạn mã PHP. Trong bài này tôi có sử dụng hàm date của PHP. Các bạn có thể tham khảo về hàm này tại địa chỉ:
Bài tiếp theo tôi sẽ trình bày về biến số, hằng số và toán tử.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét